Top

Oct 11, 2016

Bolero là một từ mới mẻ với người Việt trong một thời gian gần đây, nhưng sức lan tỏa đã hướng người nghe đến một "thể loại" tưởng như là mới, nhưng lại rất "thịnh hành" trong nhiều thập kỷ qua ở Việt Nam.


Tôi bỏ từ "thể loại" trong ngoặc kép, vì cho đến nay, Bolero chưa phải là một thể loại trong cách phân loại của âm nhạc.

Âm nhạc vốn chẳng có ranh giới hay sự phân loại nào. Âm nhạc là một hỗn tạp các giai điệu. Sở dĩ có sự phân chia ra thành các thể loại là để hướng người yêu âm nhạc vào một gu nhất định nào đó. Điều đó tựa như một câu lạc bộ được tạo ra để tập hợp lại những con người có cùng chí hướng và sở thích. Bolero cũng là một trường hợp tương tự như vậy.

Bolero trở thành một từ đại chúng từ chương trình "Solo cùng Bolero". Thực ra, trước đó, người Việt ta chỉ biết đến các bài hát có giai điệu Bolero ấy qua các cách gọi chung chung khác nhau như Tình ca, Nhạc Vàng, nhạc sến, Nhạc trữ tình... hay Nhạc thập niên này thập niên kia. Thật ra, các cách gọi đó chỉ cũng chỉ là cách gọi "đại khái" chứ chẳng có tính khoa học hay chức năng phân biệt gì. Nhưng ít nhiều, với người Việt, đó là một trong những phẩm cách đặc trưng, ảnh hưởng nhiều đến văn hóa âm nhạc trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Bolero (tiếng Tây Ban Nha: Bolero) là một điệu nhạc của Mỹ Latinh được sử dụng trong cả nhạc nghệ thuật và nhạc đại chúng.

Nguồn gốc & xuất xứ

Theo hai tác giả Lisa Shaw, Stephanie Dennison của cuốn sách Pop Culture Latin America!: Media, Arts, and Lifestyle (Văn hóa đại chúng Mỹ La Tinh: Truyền thông, Nghệ thuật và Lối sống), hầu hết giới nghiên cứu cho rằng nhạc bolero xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 19. Những bài bolero đầu tiên khởi sinh từ Cuba, nhanh chóng lan tỏa và bén rễ sang các đảo quốc ở vùng biển Caribbean và Mexico.(1)

Vào 3 thập niên cuối thể kỷ 19, Bolero bắt đầu từ Santiago, thành phố xinh đẹp phía đông nam đảo quốc Cuba, nơi tập trung rất nhiều nghệ sĩ du ca dùng đàn Guitar để kiếm sống. Lịch sử Cuba chấp nhận rằng bản Bolero đầu tiên là Tristezas (Những niềm đau) vào năm 1883, được sáng tác bởi Pepe Sánchez (1856 – 1918), một nghệ sĩ – thầy giáo. Bản nhạc cho đến nay vẫn còn được hát.

[accordion][item title="Bolero Cuba đầu tiên được sáng tác bởi các troubadour José (Pepe) Sanchez tại Santiago de Cuba.Oriente cuối thế kỷ XIX "]
[/item][/accordion]
Cũng như các thể loại khác, bolero không tự nhiên mà có. Cái nôi của Bolero được cho là từ một điệu nhạc nhảy theo nhịp ¾ ở Tây Ban Nha vào thế kỷ 18. Dù cùng tên, điệu bolero mới ra đời gần như không nợ nần gì với nguồn gốc, bởi nó đã thay đổi nhịp thành 2/4, và sau đó là nhịp 4/4. Tuy nhiên, bản thân nó cũng pha trộn nhiều điệu nhạc gốc châu Âu và gốc Phi thịnh hành đương thời như Danza, Habanera, Trova, Son, minh chứng bởi tiếng đệm đàn guitar và sự ảnh hưởng lên giai điệu.

Thời hoàng kim của Bolero ở các nước Mỹ La Tinh bắt đầu từ những năm 1930, kéo dài liên tục trong suốt ba mươi năm sau đó, với những nghệ sĩ nổi tiếng như Antonio Machin, cặp song ca Los Compadres (Cuba), nhóm nhạc Los Panchos, Los Hermanos Martínez Gil và Trío Tarácuri, Agustín Lara (Mexico), Lucho Gatica (Chile),... Thời kỳ này, Bolero còn ảnh hưởng sang thế giới nói tiếng Anh, được trình diễn bởi nhiều nghệ sĩ Mỹ như Bing Crosby, Nat King Cole hay Frank Sinatra.

Bản bolero nổi tiếng nhất trong lịch sử chính là Bésame mucho (Hãy hôn em thật nhiều, 1941), được nữ nghệ sĩ người Mexico Consuelo Velásquez sáng tác vào năm cô chỉ mới 15 tuổi. Bài hát tình tứ mà tình nhân dành cho nhau hóa ra lại là tâm sự của một cô bé chưa một lần được hôn, đang mơ mộng một cuộc tình lãng mạn.

[accordion][item title=" Bản Bésame mucho (Hãy hôn em thật nhiều, 1941) "]
[/item][/accordion]
Không chỉ phổ biến trong khu vực Mỹ La Tinh, bài hát đến nay vẫn được rất nhiều ca sĩ tên tuổi trình diễn như Tona la Negra, Ruth Fermández, Luis Miguel. Thậm chí, Bésame Mucho từng xuất hiện trong album ghi âm năm 1962 The Beatles Live at Star Club in Hamburg của nhóm nhạc The Beatles.

Theo thời gian, bolero đã có nhiều thay đổi cả về giai điệu lẫn sức ảnh hưởng, có thêm nhiều biến thể như Bolero son, Bolero moruno, Bolero mambo, Bolero beguine, Bolero feeling, Bolero ranchera. Các ý kiến đánh giá đều cho rằng bolero là phong cách âm nhạc đầu tiên của Cuba có sức ảnh hưởng rộng khắp thế giới đầu tiên và đạt được những thành tựu được công nhận trên toàn cầu.

Bolero "Việt Nam"

Điều thú vị là dù cho màu sắc âm nhạc có thay đổi tùy theo bối cảnh văn hóa bản địa, Bolero vẫn luôn giữ lại cho mình một đặc trưng thuộc về ca từ. Dòng nhạc Bolero Việt Nam cũng không nằm ngoài đặc trưng này. Đó là những bản nhạc có ca từ thể hiện tình cảm, các quan niệm về tình yêu và cuộc sống, được viết ra bằng phong cách ngôn từ sáng rõ, mộc mạc và chân thành. Chúng thường bắt đầu bằng một hồi ức, kỷ niệm riêng tư nhưng lại điển hình, chạm tới hoàn cảnh phổ biến của số đông người nghe.

Ngoài câu chuyện tự sự về cuộc đời dâu bể, lẽ hợp tan, nhân tình thế thái, phần lớn các bản Bolero là nhạc tình, trong đó lời ca và tiếng nhạc chậm đều trở thành hai yếu tố cộng hưởng, dìu bước chân của đôi bạn nhảy trong khoảnh khắc riêng tư và không ngừng nghỉ.

Chủ đề tình yêu với các cung bậc xúc cảm, từ những hẹn hò, đam mê thầm kín cho đến hạnh phúc bị ngăn trở, hờn trách của người yêu vì những ngày xa cách... được đề cập trong các bản Bolero đôi khi sáo mòn, hoặc đơn giản quá mức, khiến nó bị cho là ủy mị, dù thuần khiết và chân phương.

Đến đây, ta có thể đúc kết lại các đặc điểm để tạo nên một bản Bolero như sau:

+ Tính quần chúng nổi bật đáp ứng đông đảo tầng lớp dân chúng, đặc biệt là giới bình dân.
+ Tính khái quát cao, đề tài rất phong phú không hề thua kém các loại nhạc khác.
+ Nội dung lời nhạc rõ ràng, dễ hiểu (Chủ từ - Động từ - Túc từ).
+ Giai điệu dễ hát, dễ bắt nhịp.
+ Chất tự sự cao (Ballade).
+ Tính buồn đặc trưng.

Tại Việt Nam, điệu bolero du nhập vào miền Nam vào khoảng thập niên 1950, lúc đó phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ; nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống. Không có tài liệu nào cho biết chính xác bài đầu tiên là bài gì, tuy nhiên một số nơi cho rằng bài Duyên quê của Hoàng Thi Thơ có thể là bài đầu tiên (Vũ Đức Sao Biển).

[accordion][item title=" Bản Duyên Quê được thể hiện bởi Quang Lê và Ngọc Hạ "]
[/item][/accordion]
Cứ thế, nhiều ca khúc miền Nam viết theo điệu bolero lần lượt ra đời. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970 là những năm đỉnh cao của giai điệu này. Lúc đó rộ lên phong trào "Thời trang nhạc tuyển" mà những bài nhạc bolero được được thâu một cách đại trà vào băng cassette hoặc đĩa vinyl. Một số ca khúc tiêu biểu là Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thành phố sau lưng (Hàn Châu), Áo em chưa mặc một lần (Hoài Linh), Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân), Đêm buồn tỉnh lẻ (Bằng Giang - Tú Nhi), Vòng nhẫn cưới, Đêm lang thang, Không giờ rồi (Vinh Sử), Hoa sứ nhà nàng của Hoàng Phương. Cố nhạc sĩ Trúc Phương được xem như là Vua Bolero giai đoạn này.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì hai thể điệu chính của Nhạc vàng là bolero và slow rock. "Người đầu tiên nghĩ ra bolero là Lam Phương rồi Trúc Phương", và "Dòng nhạc bolero không hiếm những bài hát kiểu kể chuyện như: Hàn Mặc Tử, Màu tím hoa sim, Lan và Điệp… Bolero của Việt Nam khác bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ. Bolero Việt Nam rất chậm. Nam Mỹ, Tây Ban Nha lẹ hơn, gần như rhumba...."

Tại miền Bắc, thời kỳ chia đôi đất nước không ghi nhận có bài hát theo điệu Bolero nào, ngoại trừ bài Đôi bờ (nhạc Nga) được dịch sang tiếng Việt, và sau này tìm thấy bài Thủa trâm cài của Đoàn Chuẩn. Sau 1975 một số nhạc sĩ cách mạng và thế hệ sau đó có vận dụng điệu bolero khi sáng tác, nhưng số lượng bài theo điệu này rất ít, như Trần Hoàn, Thuận Yến, Nguyễn Trọng Tạo, An Thuyên, Vũ Hoàng, Thế Hiển,...(2)

Tuy Việt Nam không phải là cái nôi sản sinh ra phần lớn các loại hình văn hóa nói chung, và âm nhạc nói riêng. Nhưng người Việt đã rất biết cách để "biến cái của người ta thành của mình", biết nắm bắt và chịu học hỏi những gì tốt, những gì hay từ các nền văn hóa khác; từ đó phát triển cho phù hợp với bản sắc của dân tộc mình. Làm cho đất nước hình chữ S có thêm nhiều màu sắc và phong phú về đời sống tinh thần. Bolero là một trong số đó.
__________________________________________________________
Nguồn trích dẫn:
1. Bolero - Một lịch sử tình ca
2. Bolero Việt Nam

Tìm Hiểu Về Nhạc Bolero

Description: Bolero (tiếng Tây Ban Nha: Bolero) là một điệu nhạc của Mỹ Latinh được sử dụng trong cả nhạc nghệ thuật và nhạc đại chúng.
  • Uploaded by: Alius
  • Views:
  • Share

    0 nhận xét:

    Post a Comment

     

    Contact Form

    Name

    Email *

    Message *

    Copyright © Mộc Blog's | Designed by Templateism.com | Blogger Templates