Top

Oct 15, 2016

Quê hương tuổi thơ tôi là một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sỹ Từ Huy. Trong những ngày tháng cuối đời mình, ông vẫn hoài niệm và hát đi hát lại nhạc phẩm này mỗi khi có thể. 


Khi ấy, trước sự ra đi của ông, tôi cũng bàng hoàng vì chỉ một đêm trước, tôi vẫn được nghe "ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi" từ chính nhạc sỹ. Các nhạc sỹ  không hiểu lý do vì sao Bác Từ Huy lại hay hát đi hát lại như thế, họ vẫn nhại vui lại rằng "ngày ấy đôi giày". Ông mất khi trên đường đi Lâm Đồng sau một cơn đột quỵ. "Ông mất tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau một thời gian lâm bệnh" - Wikipedia, tôi cho đây không phải là thông tin chính xác. 

Chính từ mối liên hệ tình cờ trong những năm tháng cuối đời với cố nhạc sỹ, mà tôi biết đến Quê hương tuổi thơ tôi. Đó cũng là nhạc phẩm ấn tượng sâu sắc với tôi.

Quê hương thì ai cũng có, đó là xứ sở dù có đi đâu cũng một lần muốn trở về. Đó chính là nguồn cội, là gốc của con người. Có lẽ, đó chính là sự hoài niệm và sự khắc khoải không nguôi cho đến những ngày tháng còn lại của người nhạc sỹ. Hai từ "quê hương" tưởng chừng đơn giản, nhưng để thấu thì chỉ có những ai được lớn lên ở mảnh đất mình sinh ra thì mới cảm nhận được bằng tất cả tâm hồn.


Trong văn thơ Việt Nam, hễ nói đến quê hương thì gần như mọi ngòi bút đều hướng nó về những bờ kênh, con suối. Từ bờ đê đến những thảm xanh của đồng ruộng thơm nồng mùi hương lúa. Từ gốc đa sân đình đến những mái nhà ba gian cổ kính. Từ Hương đồng gió nội ngào ngạt đến chuyện lênh đênh trên ghe xuôi ngược trên những dòng sông. Bờ tre, cánh cò, giếng nước, sân đình, bầy em thơ đắm mình tắm gội tuổi thơ trong dòng sông và tiếng hát. V..v... là những hình ảnh gần như mặc định cho Quê hương Việt Nam. Thế thì những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố không lẽ chẳng có quê hương? Không ngạc nhiên khi một đứa trẻ thành thị chẳng biết diễn tả thế nào về cái gọi là quê hương vì chưa một lần trông thấy. Chúng chỉ biết vay mượn mà chép thành văn cho xong bài, có khi trưởng thành  rồi chúng cũng chẳng thể biết thế nào là làng quê với những cánh đồng lúa vàng xa tắp, với những cánh cò bay thẳng cánh. Thế thì quê hương với chúng là gì?

Đó là những con kênh nồng mùi rác thải. Một bầu trời chẳng bao giờ thấy mặt trời. Là những lớp người ào ào cưỡi xe ngược xuôi với dáng mặt lạnh tanh trên các con đường. Là cảnh gia đình và những con đường ngập chìm trong biển nước mỗi độ mùa mưa về. Nhìn thủy triều lên, thay vì thấy vui lại lo sợ vì không chắc nơi nào đó sẽ bị ngập úng. Nhưng chúng cũng tự hào về những tòa nhà và cái tên thành phố ai ai cũng biết đến và đổ về.

Những đứa trẻ lớn lên ở những vùng ven biển thì sao? 2016, một vị đại diện của công ty sản xuất gang thép đã dõng dạc phát biểu:"Biển hay Cá, chọn cái nào?". Câu nói ấy làm nổi giận gần như tất cả con người sống trên mảnh đất hình chữ S. Thật ngạc nhiên khi một người con đất Việt lại phát ngôn như vậy. Bởi vì, ông đã vô tình đặt ra cho rất nhiều người một câu hỏi: "Chọn quá khứ hay sống thật với những lợi ích thực tại?" hoặc "chọn quê hương hay chọn tiền?". Ông quên rằng, xứ sở nơi mà ông đứng phát biểu chính là quê hương của biết bao người. Họ yêu nghề, yêu mảnh trời và cả Biển, ngay cả khi hàng năm bao giông bão hoành hành thì, họ cũng bám víu tìm cách mưu sinh chứ quyết chẳng rời xứ sở. Không phải vì biển cho người dân thu nhập, mà đó là những gì đẹp đẽ mà họ tự tin và kiêu hãnh khi nói về.

Người thôn quê thích tìm điều mới mẻ và những cơ hội nơi đô thành. Còn người thành thị lại về miệt vườn hay cao nguyên đầy nắng để hóng gió. Khi tôi hỏi những người em của mình từ Đồng Nai lên với Ban Mê, 9/10 câu trả lời sẽ là "lên đây để hít thở không khí trong lành". Trong khi ấy, cả tuổi thơ chúng được lớn lên với cảnh đường ấp đường xã, hương lúa mùa màng. Thế mà giờ đây, chúng phải tìm một "hình bóng quê hương năm nào" ở một nơi khác, để tìm lại cái cảm giác ấy, điều mà nhà chúng bây giờ mãi mãi không còn.

Trong lòng ai cũng có những hoài niệm kiểu như vậy. Dường như có tiếng gọi đâu đó luôn thúc giục chúng ta tìm về với những gì tuổi thơ chúng ta vốn quen thuộc. Trong lòng luôn có một khao khát, khao khát được trở về.

Tôi nhớ như in câu hỏi của một bạn học khi tôi nói rằng tôi đến từ Buôn Mê Thuột. Những người bạn khi đó lấy làm ngạc nhiên và hỏi tôi "thế trên "trển" mấy người cưỡi Voi đi học à?. Thật tình, tôi cũng chẳng biết trả lời thế nào cho câu hỏi ấy. Nhưng nói đến voi, chính là một trong những niềm tự hào và kiêu hãnh của người miền núi chúng tôi. Xứ sở mà tôi sinh ra và lớn lên có con sông cha Đăk Rông, và sông mẹ Krông Ana uốn mình bao bọc, dưỡng nuôi bao lớp mùa màng và tuổi thơ của bao đứa trẻ.  Nơi được bao phủ bởi màu xanh quanh năm từ những cánh rừng bạt ngàn. Cũng có đồng lúa xanh mát đượm thơm mùi lúa non thoang thoảng ven những con đường. Chúng tôi có nhiều sắc tộc anh em cùng học chung lớp chung trường. Nơi quanh năm chỉ hai mùa mưa và gió. Chúng tôi có thể bắt gặp đâu đó những thanh âm vang vọng từ núi rừng, làm dậy lên bao xúc cảm tự hào về con người, về tình cây và đất nơi đây.

Còn bạn thì sao? Quê hương của bạn là nông thôn hay thành thị, hay cũng là miền cao như tôi?

Chúng ta có thể khác nhau về rất nhiều những "cái nhìn và cảm nhận", để định hình "một thoáng quê hương" của mình. Nhưng chúng ta đều có một điểm chung, đó là đất mẹ Việt Nam. Quê hương tôi cũng chính là quê hương của bạn. Mỗi hình ảnh trong tim mỗi người chính là hình ảnh sống động nhất tạo nên một quê hương gọi là Việt Nam.

Quê hương tuổi thơ tôi, đó chính là tuổi thơ và những gì Từ Huy cảm nhận về quê hương của mình. Có thể đó là hình ảnh quen thuộc của rất nhiều người. Song, mỗi người đều có cảm nhận về quê hương xứ sở, tại sao chúng ta không kể những câu chuyện, những hồi ức về hình bóng quên hương của riêng mình? Thế giới này được tạo ra và đẹp hơn từ chính những câu chuyện ấy. Một ngôi nhà thì không thể thành ngôi làng. Nhưng nhiều người đến và xây những ngôi nhà của mình thì sẽ thành ngôi làng. Quê hương cũng vậy, đó là câu chuyện của mỗi người trong chúng ta. Quê hương tuổi thơ tôi của Nhạc sỹ Từ Huy chỉ là một trong những câu chuyện như vậy.

 Lời bài hát

Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre.
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi.
Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm.
Thả diều đá bóng nắng cháy giũa đồng.
Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy.
Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao.

Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua.
Nhưng trong trái tim không bao giờ xa.
Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè.
Mùa lụt nước lũ bắt cá giũa đường.
Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy,
Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm.

Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày.
Ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Nhưng câu chuyện cổ, mẹ kể năm nào.
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?

Quê Hương Tuổi Thơ Tôi - Từ Huy

Description: Quê hương tuổi thơ tôi là một sáng tác nổi tiếng của cố nhạc sỹ Từ Huy. Quê hương thì ai cũng có, đó là xứ sở dù có đi đâu cũng một lần muốn trở về.
  • Uploaded by: Alius
  • Views:
  • Share

    0 nhận xét:

    Post a Comment

     

    Contact Form

    Name

    Email *

    Message *

    Copyright © Mộc Blog's | Designed by Templateism.com | Blogger Templates